Làm từ thiện - Mùa cuối năm, chuẩn bị đón Tết cũng là mùa tổng kết, nhìn lại kết quả hoạt động một năm qua của nhiều người và cũng là mùa từ thiện.
Trên các diễn đàn, trên Facebook
hoặc trên các mạng xã hội khác, không khó để chúng ta bắt gặp lời kêu gọi cùng
làm từ thiện hay hình ảnh các đoàn từ
thiện chia sẻ niềm vui cùng những cảnh đời khó khăn.
Dù với mục đích nào, việc ngày
càng nhiều người tham gia hoạt động từ thiện cũng là tín hiệu đáng mừng cho xã
hội.
Tuy nhiên, làm từ thiện không nhất
thiết chỉ nghĩ đến phần vật chất cho đi.
Cách đây khoảng 13 năm, tôi có mặt
trong đoàn từ thiện của các YBA – hội
doanh nhân trẻ. Đoàn chúng tôi khoảng 15
người là các doanh nhân nữ đời 7x, tức là lúc đó chỉ khoảng trên dưới 30 tuổi.
Mẫu số chung của các chị em là đều vươn lên từ hoàn cảnh nghèo hoặc rất nghèo.
Đoàn chúng tôi đi thăm nhiều nơi, trong đó có một trại trẻ mồ côi ở Thủ đức, nơi các souer
nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, lớn có nhỏ có.
Trong trao đổi, chúng tôi luôn nhận
được câu hỏi : Vì con là trẻ mồ côi, các cô có giúp đỡ gì cho tương lai của con
không ? Vì con là trẻ mồ côi, các cô có ưu tiên gì khi con xin vào làm tại chỗ
của cô không ?
Cảm giác của các chị em trong
đoàn tuy có khác nhau nhưng tập trung lại chúng tôi có cùng suy nghĩ : lo lắng
cho suy nghĩ của các em. Các em sẽ trở thành người như thế nào nếu suy nghĩ rằng
vì mình mồ côi nên cần nhận được các ưu ái trong cuộc sống, xã hội phải có
trách nhiệm thế nào đối với trẻ mồ côi.
Những câu hỏi đưa ra từ các em
khoảng 17-20 tuổi, tức là lớp đàn chị của trung tâm, vậy các bé còn lại có lớn
lên trong suy nghĩ tương tự không ?
Tham gia các đoàn từ thiện, thông
thường chúng tôi chỉ lo lắng về phần quà bánh, tiền bạc,… quả thật là chúng tôi
chưa bao giờ nghĩ đến cảm xúc và suy nghĩ của người nhận.
Đâu đó, trên mạng xã hội, tôi đã
nghe nói về câu chuyện cho kẹo. Bạn có kẹo và bạn đều đặn chia sẻ cho ai đó. Đến
khi bạn không còn kẹo để chia sẻ thì sẽ có thắc mắc từ người nhận : tại sao hôm
nay tôi không nhận được kẹo.
Ngẫm ra, theo nhà Phật : pháp thí
và vô úy thí quan trọng xiết bao !
P.S :
Pháp thí: Pháp thí có hai
nghĩa: một là, đem cho tất cả mọi việc, đem cho tất cả các pháp trên thế gian
này, và hai là, đem cho giáo pháp của Phật, còn gọi là Phật Pháp. Chúng ta có
thể cho tất cả những gì không thuộc phần vật chất như hướng nghiệp, định hướng
phát triển tâm lý,… Việc này bất cứ ai cũng có thể làm được, không phụ thuộc
vào điều kiện vật chất mà phụ thuộc vào khả năng truyền dẫn, định hướng đường
đi.
Vô úy thí: Về vô úy thí
thì có nghĩa rất rộng. Vô là không, úy
là sợ, thí là cho. Vô úy thí là đem cho sự không sợ hãi. Hay nói cách khác, vô
úy thí là làm sao giúp đỡ cho con người bớt sự lo âu, giảm thiểu phiền muộn,
hay không còn sợ hãi giữa cuộc sống đời thường.