Nguyễn Thị Anh Hoa: Điểm tương đồng của TAM TUỆ HỌC & quan điểm giáo dục phương Tây

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Điểm tương đồng của TAM TUỆ HỌC & quan điểm giáo dục phương Tây


Ngay từ thuở ấu thơ và nay -  đến khi trưởng thành, trong đầu tôi luôn nảy sinh câu hỏi tại sao, như thế nào... khi mới nghe một điều gì đó. Có lúc tôi có thể đặt câu hỏi với người khác nhưng có lúc không dám vì sợ làm mất lòng hoặc sợ họ nghĩ mình không tin tưởng vào điều họ nói.Thật tế không phải vậy, chẳng qua mình chỉ muốn tìm hiểu để đạt đến  chữ BIẾT mà thôi. 

Tiếp  xúc với nhà Phật, mình như bắt được vàng khi biết ngài khuyên mọi người cách phát triển trí tuệ thông qua tam tuệ học : VĂN - TƯ -TU.


Trong đó, văn tuệ là trí tuệ phát triển qua việc lắng nghe, đọc, tiếp thu thông tin. Tư tuệ là trí tuệ lớn dần qua việc tư duy, suy ngẫm, quán chiếu, liên hệ kiến thức với thực tế. Tu tuệ là sự phát triển tròn đầy của trí tuệ thông qua việc lắng nghe, tư duy và thực hành tu tập.

Tiếp thu phương pháp học từ phương Tây, chúng ta cũng thường khuyến khích hãy hành động JUST    DO    IT sau khi đã    tiếp thu nhiều nguồn kiến thức, thông tin khác nhau. Quá trình lắng nghe, tìm hiểu kiến thức... rồi suy nghĩ và hành động phải chăng cũng có điểm tương đồng với tam tuệ học của đức Phật ?

Văn, tư, tu được xem là ba mắt xích gắn liền và mang tính hổ tương cho nhau trong quá trình tu tập. Để  khai thông trí tuệ, chúng ta cần lắng nghe, tiếp thu mọi kiến thức từ nhiều nguồn kinh sách khác nhau. Nếu dừng ở đây, chúng ta chỉ là những con vẹt, chỉ biết lặp lại những điều nghe thấy mà chẳng nghĩ suy. Để biến các kiến thức đó thành của chính mình, chúng ta phải biết gạn lọc, khơi trong, suy nghĩ để hiểu ra chân lý. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những hiểu biết cho dù là hiểu biết chân lý thì chúng ta cũng chỉ là những nhà trí thức, những học giả. Học giả uyên thâm thì cũng chỉ là học giả nếu không thực hành. Quá trình tu tập, thực hành để áp dụng các kiến thức, hiểu biết vào cuộc sống   để chuyển hoá chính mình là quá trình quan trọng nhất. Tuy nhiên, nếu thực hành tu tập mà thiếu kiến thức hay kém nghĩ suy thì dễ dẫn tới hành động mù quáng thiếu sáng suốt. Vì thế, có thể nói văn, tư, tu là ba mắt xích hổ tương nhau trong quá trình tu tập.

Tuy không phải chỉ cần một ít kiến thức và một ít thời gian tu tập là có thể đạt đến an lạc, giải thoát, nhưng biết rõ con đường mình đi sẽ là tiêu chí đầu tiên đảm bảo việc tới đích dù nhanh hay muộn.

Liên hệ  thực tế cuộc sống hằng ngày, theo cách giáo dục của phương Tây, hành động là bước thực hiện luôn được đề cao.  JUST DO IT, là slogan của Nike luôn được nhiều người dùng tới để khuyến khích chúng ta hành động. Mọi kiến thức tiếp thu được từ sách vở, từ bài giảng, .. mãi mãi cũng chỉ là kiến thức của người khác. Kết quả chỉ có thể phát sinh thông qua hành động của chính chúng ta. Không kiến thức nào có giá trị hơn bằng trãi nghiệm của chính mình.

Điểm khác biệt của tam tuệ học của nhà Phật và cách giáo dục của phương Tây  rõ nhất là ở mục đích cuối cùng của chuỗi quá trình. Điểm đến của tam tuệ học là nhận biết chân lý, chuyển hoá tâm thức để đạt quả vị giải thoát chứ không nhằm đạt nhiều mong muốn khác nhau như người đời thường đề cao.

Dù có điểm khác biệt nhưng  Văn - tư - tu hay tiếp thu - suy nghĩ - hành động, đều có điểm tương đồng hữu ích giúp chúng ta phát triển trí tuệ hiệu quả.

Nguyễn Thị Anh HoaJenny Nguyen


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét